-
Thời gian thích hợp cho việc trồng bơ
– Điều kiện thích hợp nhất để trồng bơ là vào đầu mùa mưa tức là khoảng tháng 5 đến tháng 6 dương lịch.
– Nếu có thể cung cấp nguồn nước bà con nông dân có thể trồng bơ vào cuối mùa mưa hoặc cuối mùa khô.
Tưới nước cho cây bơ
– Năm 1:
+ Khi trồng xong nên tiến hành tưới nước cho cây bơ ngay, nếu bà con nông dân trồng vào mùa khô thì trồng sau 3 – 5 ngày phải tưới lại và kết hợp với việc phủ gốc bằng trấu, cỏ khô, rơm, lá mục… Sau đó cứ khoảng 10 đến 15 ngày thì tưới 1 lần. Bồn trồng bơ nên đánh 1m x 1m để việc tưới nước dễ dàng hơn.
– Năm 2:
+ Giai đoạn này bộ rễ của cây bơ đã ăn sâu vào lòng đất tuy nhiên bơ vẫn cần được tưới nước hỗ trợ thường xuyên nhất là trong mùa khô. Tưới nước khoảng 4 đến 5 đợt, một đợt cách nhau khoảng 15 – 20 ngày.
– Từ năm 3 trở đi:
+ Nếu trồng xen canh với cây cà phê thì bà con nông dân không cần phải tưới nước vì cây bơ sẽ sử dụng chung lượng nước khi bà con tưới cây cà phê.
+ Nếu trồng thuần thì bà con nên tưới nước theo đợt mỗi đợt cách nhau khoảng 20 đến 25 ngày. Lưu ý: bà con nông dân không nên tưới nước vào giai đoạn bơ đang ra hoa mà phải đợi cho đến khi đậu quả rồi thì mới tưới nước.
Bón phân cho cây bơ
– Năm 1: Bón thúc cho cây bơ
+ Cần bón thúc cho bơ sau khi trồng khoảng 20 ngày với lượng phân NPK theo tỷ lệ 2:2:1, mỗi hố cần 0,1 kg tương đương với 100g phân. Khi bón cần tưới nước để phân có thể tan nhanh và thấm đều xuống đất. Tiếp tục bón lượng phân như trên nhưng khoảng cách bón giãn ra khoảng 30 ngày bón 1 lần.
– Năm 2: Bón phân NPK
+ Tiếp tục bón phân NPK nhưng tăng lượng phân lên mỗi gốc khoảng 200 đến 300g. Bón 6 lần/năm: 3 lần vào mùa khô, 3 lần vào mùa mưa; khi bón phân vào mùa khô chú ý tưới nước trước khi bón.
– Từ năm 3 trở đi:
+ Thông thường đối với bơ ghép thì từ năm thứ 3 trở đi cây đã bắt đầu cho quả vì vậy bà con nông dân nên để lại một lượng quả tùy theo sức của cây bơ (khoảng 1 – 3 quả/cành). Từ khi quả được 1 tháng cho đến khi thu hoạch (5 – 6 tháng) thì bà con nông dân tiến hành 3 đợt bón phân, mỗi đợt 2kg phân NPK.
Sau khi thu hoạch bà con bón bổ sung 1-2 kg phân Urê và tiến hành cắt tỉa cành yếu để cây sớm hồi sức.
– Lưu ý:
+ Đối với cây bơ được trồng xen canh với cây cà phê thì từ năm thứ 3 trở đi lượng phân bón cho cây bơ có thể giảm xuống 1 nửa vì lúc này bơ cũng hưởng chung lượng phân đã được bón cho cây cà phê nên không cần bón thêm nữa.
+ Không nên bón phân và tưới nước khi cây đang ra hoa mà phải chờ đến khi hoa đậu thành quả thì mới được bón.
+ Để tránh trường hợp bơ rụng quả khi bón phân bà con bên bổ sung thêm phân Kali.
Phòng trừ sâu bệnh cho cây bơ
Sâu bệnh trên cây bơ giai đoạn kinh doanh chủ yếu được hạn chế bằng cách phòng trừ, thường xuyên thăm nom vườn bơ để phát hiện và sớm nhất có thể. Một số loại sâu bệnh thường gặp như sau
- Sâu ăn lá, sâu cuốn lá
- Sâu đục thân, đục cành
- Bọ cánh cứng ăn lá về đêm
- Bọ xít muỗi, rầy mềm chích hút lá, ngọn non
- Rệp sáp hại cành, hại rễ
- Tuyến trùng hại rễ
- Bệnh nấm rễ, lở cổ rễ
- Bệnh khô ngọn, khô cành
- Bệnh đốm lá
- Bệnh thối thân xì mủ
- Bệnh ghẻ trái, đốm trái
Đối với các loại côn trùng và sâu bọ, phun phòng vào thời điểm đầu + cuối mùa mưa và các đợt cây ra đọt non.
Nên luân phiên thay đổi các thuốc có chứa hoạt chất: Thiathomexam, Permethrin, Carbosulfan… Đối với nấm bệnh, phun ít nhất 4-5 đợt vào mùa mưa và 1 đợt vào mùa khô… dùng các thuốc chứa hoạt chất: Mancozeb, Metalaxyl, Hexaconazole, gốc bạc, gốc đồng… Phun qua lá đồng thời đổ gốc hoặc pha đậm đặc quét lên phần gốc.