Thiết kế sân vườn là một nghệ thuật, một quá trình tìm ra những phương án bố trí và trồng vườn nhằm tạo nên vẻ đẹp cho cảnh quan. Thiết kế vườn có thể được thực hiện bởi các chủ sở hữu vườn hay bởi các nhà thiết kế đã có kinh nghiệm. Thiết kế sân vườn không chỉ là phân bố các tiểu cảnh, bố trí các phương tiện sinh hoạt và trồng cây. Mà trên hết thiết kế sân vườn là sự phối hợp hài hòa màu sắc, ánh sáng, thẩm mỹ kiến trúc, các vật trang trí (có khảo sát cả yếu tố phong thủy) để tạo một không gian thư giãn, thoải mái và cả niềm tự hào (cho chủ nhân, gia đình). Do vậy thiết kế sân vườn là sự tổng hợp của nghệ thuật, mỹ thuật và khoa học kỹ thuật.
Một số phong cách phổ biến trong thiết kế sân vườn biệt thự
Phong cách thiết kế sân vườn chịu ảnh hưởng nhiều bởi bối cảnh lịch sử, văn hóa xã hội, cũng như điều kiện tự nhiên. Thời phục hưng, thiết kế sân vườn thường chú trọng đến tính có tổ chức và kiểm soát nên thường sử dụng nguyên tắc thiết kế cân bằng đối xứng. Ngày nay, các thiết kế sân vườn biệt thự hiện đại chú trọng đến sự thoải mái, tiện dụng nên rất phóng túng trong việc vận dụng các nguyên tắc thiết kế.
Về mặt văn hóa xã hội, các thiết kế sân vườn kiểu Nhật bản chịu ảnh hưởng bởi tính cách, văn hóa của người Nhật. Sân vườn của họ mang phong cách giản dị mà tinh tế, cân đối và bền vững. Thiết kế sân vườn kiểu Pháp chịu ảnh hưởng của thời kì phục hưng, tính cân bằng đổi xứng vẫn còn nặng nhưng được tùy biến theo phong cách riêng của người Pháp, tính lãng mạn và bay bổng được kết hợp khéo léo vào trong thiết kế.
Vườn đá – phong cách sân vườn Nhật Bản
Phong cách vườn Pháp
Điều kiện tự nhiên, thời tiết, khí hậu là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng đến thiết kế sân vườn. Các sân vườn thiết kế theo cách vườn sa mạc sử dụng các loại cây sống khỏe, cần ít nước và không tốn nhiều công chăm sóc, và sẽ là sai lầm khi bạn nghĩ rằng các khu vườn thiết kế theo phong cách này chỉ có đụn cát và bụi cỏ. Các khu vườn sa mạc cũng có vẻ đẹp sinh động và sự đa dạng của hệ thực vật không kém các loại vườn khác. Sân vườn nhiệt đới đặc trưng với các loại thực vật lá to, màu sẫm tươi tốt với nhu cầu nước tương đối cao. Các khu vườn thiết kế theo phong cách này luôn tạo cảm giác tươi mát, dễ chịu.
Góc vườn với những lớp cây trồng đa dạng tạo sự thư thái và tươi mát
8 nguyên tắc cơ bản trong thiết kế sân vườn
Thiết kế cảnh quan sân vườn không phải là một công việc đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối như ngành khoa học tên lửa nhưng vẫn sẽ có một sự khác biệt rất lớn giữa một thiết kế tốt và một thiết kế không tốt. Một thiết kế tốt sẽ mang lại một cảnh quan sân vườn đẹp, tiện dụng nhưng vẫn giữ lại nét tự nhiên và trên hết là sự chuyên nghiệp. Ở thái cực ngược lại sẽ tạo ra một cảnh quan sân vườn có vẻ giả tạo, vụng về và mang tính tự phát. Vậy cần phải làm gì để tạo ra một thiết kế cảnh quan sân vườn đẹp? Đó không chỉ là sự quan tâm của riêng gia chủ mà còn là sự quan tâm và vấn đề luôn khiến các nhà thiết kế phải dày công tìm tòi.
Thiết kế cảnh quan sân vườn nói riêng và thiết kế cảnh quan nói chung là công việc đòi hỏi sự sáng tạo, phá cách, việc rập khuôn theo những nguyên tắc nhất định nào đó là hoàn toàn sai lầm. Tuy nhiên, vẫn có một số nguyên tắc nên áp dụng. Sau đây là 8 nguyên tắc cơ bản được sử dụng khá thường xuyên bởi một số nhà thiết kế cảnh quan hàng đầu.
Tính thống nhất (Unity)
Là sự lặp đi lặp lại một cách có trật tự, nhất quán và thống nhất các yếu tố như: chủng loại, chiều cao, kích thước, kết cấu, màu sắc của cây hay các nhóm thực vật, đá hay vật dụng trang trí trong thiết kế cảnh quan sân vườn. Áp dụng nguyên tắc này sẽ đem lại một phong cách rất riêng cho mỗi thiết kế, nhất là khi bạn muốn tạo ra một cảnh quan sân vườn theo một chủ đề nhất định. Chủ đề ở đây có thể theo một loại hình cảnh quan nào đó như: cảnh quan rừng mưa nhiệt đới, cảnh quan miền quê Nam Bộ, cảnh quan ốc đảo sa mạc… Bạn cũng có thể chọn một chủ đề theo sở thích cá nhân. Chẳn hạn, nếu là người yêu chim, bạn có thể tạo ra một thiết kế cảnh quan sân vườn với chủ đề là chim bằng cách sử dụng các loại cây trồng thu hút chim, cũng như sử dụng các bức tượng, tổ chim, hay các đồ trang trí khác có liên quan. Tất cả được sắp xếp theo một thể thống nhất sẽ tạo ra một khu vườn không những đẹp mà còn có phong cách rất riêng.
Tính đơn giản hóa (Simplicity)
Đơn giản là một trong những nguyên tắc được áp dụng rất nhiều trong cả thiết kế và nghệ thuật. Trong nghệ thuật nhiếp ảnh, các nhiếp ảnh gia thường tối giản đi những chi tiết thừa để giúp người xem có thể tập trung hơn vào những gì mà họ cảm thấy là yếu tố quan trọng nhất của bức ảnh, cái mà họ muốn nhấn mạnh để truyền đạt ý tưởng của họ đến người xem. Ở đây, sự đơn giản hóa lại đem lại khả năng tạo điểm nhấn tốt đến không ngờ. Tương tự, bạn cũng có thể vận dụng sự đơn giản hóa trong thiết kế cảnh quan sân vườn nhằm làm nổi bật chủ đề của bạn. Một lợi thế nữa, là bạn hoàn toàn có thể bổ sung thêm những thành phần mới cho thiết kế của mình. Sử dụng tính đơn giản trong thiết kế cảnh quan sân vườn như thế nào? Khá đơn giản, bạn nên sử dụng hai hoặc ba loại màu sắc của cây và lặp lại nó trong cả thiết kế tổng thể. Tương tự với chủng loại cây, lặp lại từ hai đến ba loại cây cho sân vườn. Trang trí sân vườn một cách đơn giản theo một chủ đề nhất định nào đó. Hạn chế sử dụng quá nhiều vật trang trí. Khi sử dụng đá, chỉ nên sử dụng một vài tảng đá ở những vị trí quan trọng để tạo điểm nhấn và phải sắp sếp gọn gàng, tự nhiên.
Chuyển tiếp tự nhiên (Natural transition)
Nguyên tắc này không quá khó để áp dụng và nó có tác dụng tránh sự thay đổi quá nhanh và đột ngột trong thiết kế cảnh quan sân vườn. Vận dụng nguyên tắc này sẽ giúp cho cảnh quan sân vườn chuyên nghiệp hơn khi không mắc phải những sai lầm của những người thiếu kinh nghiệm, họ thường quên đi tính liên tục tổng thể và trồng cây một cách bừa bãi theo cảm tính. Quá trình chuyển tiếp tự nhiên có nghĩa là đảm bảo sự thay đổi diễn ra dần dần để đảm bảo sự thông suốt. Điểm dễ nhận biết nhất của quá trình chuyển tiếp tự nhiên là ở màu sắc và chiều cao của cây, ngoài ra còn có các yếu tố khác của cảnh quan như: Cấu trúc, hình dạng và kích thước của lá cây, cũng như các yếu tố khác như tượng, đá… Cách đơn giản nhất để tạo sự chuyển tiếp tự nhiên là sử dụng “bước chuyển hiệu ứng” (step effect) tức là tổ chức cây trồng theo thứ tự kích thước giảm dần hay tăng dần. Từ những cây thân gỗ lớn, rồi tới cây bụi, cây hoa nhỏ và cuối cùng là thảm cỏ, lựa chọn loại cây thích hợp là rất cần thiết. Chuyển tiếp tự nhiên bằng cách “tạo ra ảo giác” (create illusions).
Sự chuyển tiếp nhịp nhàng giữa những khóm cây, hoa thấp với nhóm cây tầm trung và tầm cao
Tính cân bằng (Balance)
Tính cân bằng trong thiết kế cảnh quan sân vườn bao gồm sự cân bằng tuyệt đối về mọi mặt và sự cân bằng về một khía cạnh nhất định nào đó. Có hai dạng cân bằng mà bạn có thể sử dụng: cân bằng đối xứng và cân bằng không đối xứng.
Cân bằng đối xứng (Symmetrical balance): tất cả các thành phần trong thiết kế đều được chia đều, mọi thành phần đều có một phiên bản đối xứng giống nhau hoàn toàn về hình dạng, kích thước, màu sắc…Nguyên lý này được sử dụng rất nhiều trong các thiết kế cảnh quan sân vườn thời kỳ Phục Hưng. Những khu vườn thời kì này thường luôn đối xứng tuyệt đối cả về thành phần thiết kế và tổng thể hình học. Chỉ cần vẽ một đường tưởng tượng ngay giữa vườn, bạn sẽ thấy mỗi bên là một hình ảnh phản chiếu của bên còn lại. Sự cân đối xứng này thường không thể có trong tự nhiên, nhưng không hề gì, một số người thích nhìn thấy mọi thứ cân bằng, nó mang lại sự ổn định và trật tự. Ứng dụng, dùng các loại cây bụi trồng đối xứng để đánh dấu điểm đầu và điểm cuối của một hàng, dùng làm hàng rào, tường nhà hay tạo điểm nhấn. Nhược điểm là sẽ rất tốn công bảo dưỡng, vì trạng thái cân bằng đối xứng rất dễ bị phá vỡ do sự phát triển không đều của cây, cây bị chết, cắt tỉa không đều hay màu sắc của cây không đồng nhất.
Một ví dụ cho thiết kế cân bằng đối xứng
Cân bằng không đối xứng (Asymmetrical balance): cân bằng không đối xứng trong thiết kế cảnh quan sân vườn có thể hiểu là một dạng không cân bằng, trừu tượng hay tự do nhưng vẫn tạo ra một thể thống nhất và cân bằng thông qua sự lặp lại của một số yếu tố. Có một chút khó khăn để nhận ra tính cân bằng không đối xứng trong một khu vườn, và đó chính là ưu điểm để thiết kế cảnh quan có vẻ tự nhiên và thoải mái hơn. Ví dụ, trong thiết kế cảnh quan vườn Nhật Bản truyền thống. Các tảng đá, cây cối và đường dẫn nhìn có vẻ như được sắp xếp một cách ngẫu nhiên, nhưng thực sự không phải vậy, bởi vị trí đặt của chúng đã được tính toán rất kĩ sao cho khi nhìn từ mọi vị trí trong vườn luôn đạt được trạng thái cân bằng. Một vận dụng khác nữa là bạn có thể sử dụng các hình khối và đường dẫn khác nhau ở hai mặt của đường phân chia nhưng vẫn sử dụng đối xứng một số yếu tố và cây cối. Một bên có thể uốn cong tạo cảm giác như một dòng chảy mềm mại trong khi bên kia là một đường thẳng, mạnh mẽ hoàn toàn đối lập. Sự đối lập trong kiểu thiết kế này rất thú vị, nó tạo ra sự bất ngờ và rất mắt mắt. Một ưu điểm nữa khi áp dụng nguyên lý cân bằng không đối xứng là nó không phụ thuộc vào hình dạng của khu vườn và bạn có thể tự do sáng tạo cho thiết kế cảnh quan của mình. Một thiết kế cân bằng bất đối xứng tạo cảm giảm ổn định, chứa trong nó những yếu tố được sắp đặt ngẫu nhiên làm cho thiết kế cảnh quan sân vườn trông rất tự nhiên.
Vườn Nhật với cách bố trí cân bằng không đối xứng
Màu sắc (Color)
Điều tốt nhất mà màu sắc thêm vào mọi cảnh quan là vẻ quyến rũ và thực tế của cuộc sống. Màu ấm (Warm colors): màu sắc tươi sáng như màu đỏ, vàng và cam dường như tiến về phía bạn và thực sự có thể làm cho một đối tượng có vẻ gần gũi hơn với bạn và thường được sử dụng ở phía trước của một thiết kế cảnh quan sân vườn. Màu lạnh (Cold colors): như xanh lá, xanh dương và màu phấn làm cho một đối tượng có vẻ xa hơn từ bạn. Đây là một kĩ thuật tuyệt vời để sử dụng nếu bạn có một khu vườn nhỏ và muốn nó trông lớn hơn so với thực tế. Màu trung tính (Neutral colors): như xám, đen, trắng nên sử dụng như màu nền, hoặc kết hợp với các màu tươi sáng ở phía trước. Màu trung tính rất linh hoạt, nhưng nên hạn chế sử dụng.
Cách đưa màu sắc thiên nhiên vào không gian vườn của một ngôi nhà ở New York – Mỹ
Các màu khác (Other uses of color): màu sắc cũng có thể được sử dụng để hướng sự chú ý của bạn đến một khu vực cụ thể của cảnh quan sân vườn. Ví dụ, Sử dụng các màu sắc tươi sáng một mình hay kết hợp với các màu lạnh như bạn muốn miễn sao tạo sự thu hút thị giác. Điều thú vị với màu sắc là bạn có thể sử dụng bảng màu yêu thích của bạn cho mục đích riêng của bạn. Còn nếu bạn thích màu trắng, bạn có thể tạo lên một khu vườn với tất cả các bông hoa là màu trắng, sẽ rất tinh tế và giàu cảm xúc. Nếu thêm bất kì một mảng màu nào khác trên nền màu trắng sẽ có hiệu ứng nổi bật rất cao và rất giàu tình nghệ thuật. Đây là một thủ thuật rất hiệu quả nếu bạn muốn tạo ấn tượng mạnh về một yếu tố nào đó.
Đường (Line)
Đường là một trong những nguyên tắc cấu trúc chi tiết của thiết kế cảnh quan, và đây cũng là khái niệm đầu tiên mà nhà thiết kế cảnh quan phải làm quen. Đường thường liên quan đến cách di chuyển mắt và dòng chảy xung quanh cảnh quan như lối đi, nơi gộp lại hay rẽ nhánh của dòng chảy. Nó thường được phản ánh trong cái cách mà đường dẫn và khu vực trồng cây được bố trí phù hợp với nhau, nhưng một dòng tinh tế hơn cũng có thể được tạo ra bởi những thay đổi về chiều cao cây trồng hoặc các hình khối và hướng của tán cây.
Các đường thẳng (Straight lines): trong thiết kế cảnh quan sân vườn, các loại đường thẳng hay vuông góc luôn tạo ra cảm giác mạnh mẽ và làm cho thiết kế có tính cấu trúc hơn. Nhờ đó dễ tạo sự thu hút hơn. Những đường thẳng luôn tạo cảm giác an toàn, dễ chịu và thuận tiện trong sử dụng.
Những đường thẳng khỏe khoắn tạo nên nét hiện đại cho không gian
Các đường lượn sóng (Wavy lines): các đường cong hay lượn sóng sẽ tạo cảm giác tự nhiên, nhẹ nhàng, phóng khoáng hơn. Một đường cong có xu hướng mịn màng, khoáng đạt, tự nhiên dùng trong thiết kế cảnh quan sân vườn sẽ tạo hiệu ứng thoải mái hơn. Nó tạo ra vẻ quyến rũ, mời gọi bạn tham quan khu vườn chứ không phải chỉ đạo bạn.
Khi bắt tay vào thiết kế một cảnh quan sân vườn, bạn phải xác định cách bạn muốn dòng chảy dẫn dắt mọi người qua cảnh quan như thế nào. Bạn muốn một thiết kế đem lại cảm giác trật tự, có tổ chức hay cảm giác phóng khoáng, dễ chịu hơn. Đó là điều thú vị trong thiết kế cảnh quan sân vườn.
Tính cân đối (Proportion)
Tuy rất đơn giản nhưng lại rất dễ vi phạm qua trong thiết kế cảnh quan sân vườn. Thậm chí ngay cả những nhà thiết kế cảnh quan dạn dày kinh nghiệm nhất cũng có thể vi phạm nguyên tắc này vì nó rất dễ bị bỏ qua. Sự cân đối đơn giản là về tỉ lệ giữa các yếu tố trong một thiết kế. Trong tất cả các nguyên tắc thiết kế cảnh quan đều chứa tính cân đối nhưng bạn vẫn cần phải bỏ thời gian suy nghĩ và hoạch định rõ ràng để tránh mắc phải. Hầu hết các yếu tố trong thiết kế cảnh quan đều có thể lên kế hoạch để đạt được sự cân đối cuối cùng.
Tính cân đối là tương đối và có thể được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với những khu vực khác nhau trong một thiết kế cảnh quan sân vườn. Mục đích là để tạo ra sự tỷ lệ giữa ba kích thước chiều rộng, chiều dài, chiều sâu hoặc chiều cao. Làm được điều đó bạn sẽ đạt được sự hài hòa trong mọi kích thước của một thiết kế cảnh quan sân vườn.
Tính lặp lại (Repetition)
Sự lặp đi lặp lại có mối quan hệ mật thiết với tính thống nhất (unity), nguyên tắc đầu tiên trong một thiết kế cảnh quan sân vườn, vì vậy sẽ thật phù hợp nếu ta cũng kết thúc với nó. Sự khác biệt lớn nhất là tính thống nhất sử dụng tất cả các thành phần của cảnh quan như cây trồng, các yếu tố kiến trúc, các yếu tố vô cơ để tạo nên một nét riêng hay một chủ đề. Tất cả mọi thành phần đều phải phù hợp. Tất cả các yếu tố được chọn đều phải bổ trợ cho yếu tố trung tâm và phải vì những mục đích nhất định. Tính lặp lại được sử dụng trong nguyên tắc thống nhất là cách sử dụng lăp đi lặp lại một vài yếu tố hay hình thức nhất định để tạo ra công thức trong thiết kế cảnh quan sân vườn của bạn. Có một ranh giới mà bạn cần phải chú ý, nếu sử dụng quá nhiều yếu tố lặp lại sẽ làm cho thiết kế bị nhàm chán, nhưng khi sử dụng quá nhiều yếu tố khác nhau sẽ làm cảnh quan rất lộn xộn và vô tổ chức. Bạn cần vận dụng khéo léo để tạo ra một sân vườn hoàn hảo nhất.
Cái Đẹp thường được đưa ra như một tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng nghệ thuật. Tuy nhiên, định nghĩa được cái Đẹp còn khó hơn định nghĩa được Nghệ thuật, vì cái Đẹp phụ thuộc vào văn hóa và thời gian nhiều hơn. Sân vườn cũng là một tác phẩm nghệ thuật vì thế nó cũng không ngoại lệ. Một sân vườn đẹp phải dựa trên cái đẹp hiện tại và tùy vào mọi khu vực, vùng miền… Vì vậy đòi hỏi người thiết kế phải có kiến thức, không ngừng sáng tạo và phát triển.